Lượt xem: 591

Để Chương trình OCOP phát triển thực chất, hiệu quả

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP), tỉnh Sóc Trăng hiện là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc khai thác giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng vùng miền. Dù vậy, quá trình triển khai chương trình hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Dễ thấy nhất là khả năng cung ứng nguyên liệu và những khó khăn trong khâu tiêu thụ. Từ thực tế này, rất nhiều giải pháp đang được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai, đảm bảo Chương trình OCOP của tỉnh thật sự phát triển thực chất, hiệu quả thay vì chỉ tập trung vào việc phát triển số lượng.

 


Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan Cửa hàng sản phẩm OCOP nông sản an toàn tại huyện Mỹ Tú.

 

    Giai đoạn 2019-2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển được 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 19 sản phẩm 4 sao và 169 sản phẩm 3 sao, vượt 2,9 lần so với chỉ tiêu đề ra. Mặc dù có sự đa dạng về chủng loại, nhưng đối với các sản phẩm được khai thác từ nông sản địa phương, diện tích vùng trồng vẫn còn khá hạn chế, chưa đảm bảo được sản lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình chế biến sản phẩm. Từ thực trạng này, trong giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm thống kê chính xác diện tích canh tác của các sản phẩm được lựa chọn để chuẩn hóa. Từ đó có sự đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Chúng tôi chú trọng khai thác, lựa chọn những sản phẩm tiềm năng của huyện để tham gia Chương trình OCOP. Năm 2023, chúng tôi chú trọng đánh giá, xếp hạng OCOP cho sản phẩm dưa bồn bồn. Hiện nay, vùng trồng bồn bồn của huyện khá lớn với khoảng 80 ha, để đảm bảo các điều kiện đạt chứng nhận OCOP, chúng tôi vận động bà con trồng theo hướng an toàn, hướng hữu cơ để có sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất đáp ứng thị hiếu tiêu dùng”.

    Danh sách sản phẩm OCOP ngày một dài là tín hiệu vui, nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở trong việc tìm đầu ra cho từng sản phẩm. Vì vậy, để khuyến khích sự tham gia hưởng ứng từ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, ngoài việc quan tâm, cải thiện chất lượng để thăng sao cho sản phẩm, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng một số sở, ngành cũng đặc biệt chú trọng đến hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP và OCOP tiềm năng. Cùng với việc quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các điểm du lịch, những trạm dừng chân, giai đoạn 2023 - 2025, Sóc Trăng đặt mục tiêu mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ có ít nhất một cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 8 cửa hàng. Các cửa hàng với vị trí thuận lợi là điều kiện tốt để quảng bá cũng như mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho nhiều chủ thể. Chủ Cửa hàng sản phẩm OCOP nông sản an toàn, huyện Mỹ Tú - Phan Thị Thúy cho biết thêm: “Mỗi khi khách ghé là thường mua từ 5 - 6 sản phẩm trở lên, nhiều nhất là khách vãng lai đi theo tuyến từ Sài Gòn về Cà Mau theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp. Mình nhập sản phẩm trong một thời gian, nếu thấy mặt hàng nào bán chậm và gần hết hạn thì mình gửi trả lại cho cơ sở. Đảm bảo tất cả sản phẩm đều có nhãn mác, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”.

    Giai đoạn 2023 - 2025, Sóc Trăng đặt mục tiêu có ít nhất 200 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; củng cố và nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng. Địa phương hiện vẫn đang nỗ lực nâng chất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã đạt chứng nhận. Đồng thời, triển khai thêm nhiều giải pháp để sản phẩm OCOP Sóc Trăng từng bước chiếm lĩnh thị phần và là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng giữa sự phong phú, đa dạng của rất nhiều sản phẩm trong khu vực. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Về phía ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện vẫn đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cũng như các địa phương để làm sao nâng cao chất lượng và chiều sâu của các sản phẩm OCOP hiện có. Hỗ trợ các chủ thể trong việc đầu tư thêm về mẫu mã, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt là tăng cường các giải pháp về xúc tiến thương mại để làm sao quảng bá rộng rãi hơn các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các triển lãm hội chợ, các diễn đàn, hội thảo cũng như sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp ngày càng nhiều người biết đến nhằm mang đến giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm chủ lực ở khu vực nông thôn…”.

    Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự tham gia hưởng ứng tích cực của các công ty, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, Chương trình OCOP của tỉnh Sóc Trăng về cơ bản đã khẳng định được hiệu quả thiết thực trong việc lan tỏa thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng ở từng địa phương. Kết quả đã đạt trong giai đoạn vừa qua cùng sự quan tâm của các sở, ngành và đơn vị có liên quan trong việc phát triển Chương trình ở giai đoạn sắp tới là cơ sở quan trọng để Chương trình OCOP của tỉnh Sóc Trăng phát triển thực chất, hiệu quả. Từng bước hình thành phân khúc riêng cho thị trường hàng hóa ở nông thôn. Quan trọng là góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân theo mục tiêu cốt lõi mà chương trình đề ra.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 7178
  • Trong tuần: 77,885
  • Tất cả: 11,801,205